Các phương pháp phòng chống nấm mốc cho tường nhà

Nấm mốc trên bề mặt tường, trần nhà là hiện tượng tương đối phổ biến, đặc biệt là ở những vùng địa lý có khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam. Chính bởi vậy, việc phòng chống ẩm, nấm mốc cho tường nhà cần được thực hiện ngay từ khi xây dựng và đảm bảo đồng bộ cho đến khâu sơn hoàn thiện.

Nấm mốc tường không chỉ gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của con người

1.Những nguyên nhân chính gây nấm mốc

Do chất kết dính sử dụng trong xây dựng

Đối với các công trình kiến trúc ở nước ta hiện nay, vật liệu phổ biến được sử dụng trong xây dựng vẫn là các loại vật liệu truyền thống như vôi, cát, xi măng. Tuy nhiên, do bản chất của hồ vữa xi măng là xốp, mềm nên tính hấp thụ nước tự nhiên cao, và cứ theo nguyên tắc “bấc đèn dầu”, hồ vữa hút nước và lan theo mạch lên trên, cho đến khi không thể hút lên được nữa, thông thường chúng làm ẩm chân tường khoảng 50cm đến 1mét, kể từ cốt nền ẩm, và lớp hồ vữa này càng cũ thì độ thấm càng mạnh. Đặc biệt ở những công trình có sử dụng cả vôi làm chất kết dính, vôi sẽ làm mạch tường lâu khô, ẩm, khi gặp mưa nước sẽ ngấm vào tường, lâu ngày sẽ dẫn tới hiện tượng rêu mốc.

Do thời tiết

Do điều kiện thời khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, đặc biệt là vào mùa xuân ở miền Bắc thường có kiểu thời tiết đặc trưng là nồm ẩm dẫn tới bề mặt tường, trần nhà luôn trong tình trạng ẩm ướt. Tình trạng này kéo dài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nấm mốc phát triển.

Do bề mặt tường, trần nhà không được chống thấm, chống ẩm phù hợp.

Chống thấm, chống ẩm mốc cho tường nhà, trần nhà là công đoạn quan trọng và thường được áp dụng ngay trong quá trình xây dựng. Chính vì vậy, khi thiết kế, thi công công trình cũng như khi hoàn thiện, chủ công trình cần có những biện pháp phù hợp để bảo vệ bề mặt một cách tốt nhất.

2. Các phương pháp phòng chống nấm mốc cho tường nhà.

Các phương pháp chống nấm mốc cho tường nhà thường được áp dụng hiện nay có thể kể đến như:

Đảm bảo bề mặt tường khô thoáng trước khi sơn
Trước khi tiến hành sơn phủ, bề mặt tường cần được làm khô đến một mức độ nhất định. Nếu tiến hành sơn trong điều kiện bề mặt ẩm, vừa hoàn thiện thi công sẽ dễ kéo theo khả năng ẩm mốc, rêu bụi cao.

Sử dụng sơn lót trước khi sơn hoàn thiện

Sử dụng sơn lót trước khi sơn hoàn thiện là việc làm cần thiết và chú trọng thực hiện ở bất cứ bề mặt tường mới hay tường cũ bởi chúng không chỉ giúp bảo vệ bề mặt tường, lớp sơn tường mà còn có tác dụng chống thấm hiệu quả, ngăn ngừa và hạn chế hiện tượng nấm mốc. Những lợi ích của việc sử dụng sơn lót có thể kể đến như:
– Tạo độ dính chặt, tăng cường độ kết dính cho lớp sơn phủ.
– Có khả năng chống kiềm (có trong vôi, xi măng…)
– Tăng cường khả năng chống thấm cho bề mặt tường.
– Giúp cho việc sơn được hoàn chỉnh hơn, lớp ngoài đều hơn và có chất tạo độ sáng bóng vì thế làm cho màng sơn đẹp hơn.
– Một số lọai sơn lót còn giúp ngăn chặn những vết bẩn và rêu mốc xuyên qua.

Sử dụng các loại sơn có độ phủ cao, sơn có khả năng chống nấm mốc

Sơn có độ phủ cao đồng nghĩa với việc diện tích sơn phủ sẽ lớn hơn nhiều lần so với các sản phẩm sơn thông thường, vì vậy, chi phí đầu tư cho việc sử dụng các sản phẩm sẽ được giảm đi đáng kể. Đồng thời, khi sử dụng các sản phẩm sơn có độ phủ cao, diện tích bề mặt sẽ được bảo vệ tốt hơn, tránh được những biểu hiện loang sơn, bề mặt bị ẩm, nấm mốc.
Ngoài ra, khi lựa chọn sản phẩm sơn phủ cho tường, trần, người dùng cũng nên chú ý lựa chọn các loại sơn có khả năng chống ẩm mốc cao để sử dụng.