Cuộc chiến ngành sơn, ngoại công, nội thủ

Trong khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính và kinh nghiệm của mình không ngừng mở rộng đầu tư sản xuất, quảng cáo để chiếm lĩnh thị phần, thì các doanh nghiệp nội lại có cách đi riêng để giữ vững thị trường của mình.
thitruongsonnuoc

Theo Hiệp hội Sơn Việt Nam, tiêu thụ sơn năm 2014 chỉ tăng 5%, thấp hơn mức tăng bình quân 10 – 12% các năm trước đó. Hiện thị trường sơn được chia làm 4 phân khúc, bao gồm Akzo Nobel, Nippon, Jotun ở phân khúc cao cấp, với 35% thị phần. Nhóm thứ 2 là các nhãn hàng 4 Oranges, TOA, SeaMaster… chiếm 25% thị phần. Nhóm 3 như Joton, Kova, Tison… chiếm 15% thị phần. 25% thị phần còn lại thuộc các cơ sở nhỏ, đại diện cho dòng sơn cỏ.

Dù đã nắm giữ thị phần lớn và tương đối ổn định, nhưng các ông lớn ngành sơn, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa muốn dừng lại.

Cụ thể, năm 2014, Nippon đã xây thêm nhà máy thứ 3 cho chủng loại sơn phủ tại Vĩnh Phúc. Năm 2013, Juton cũng tăng vốn đầu tư lên 16,1 triệu USD để mở rộng nhà máy, nâng công suất lên 25 triệu lít sơn/năm.

Trên thị trường sơn, người tiêu dùng thường quen với các dòng sản phẩm như Dulux, Juton, Maxilite, TOA, Kova, 4 Orange… Trong đó, Dulux của AkzoNobel được định vị là thương hiệu cho dòng sản phẩm cao cấp. Do đó, ngay khi thị trường bất động sản ấm trở lại, nhiều dự án cao cấp được khởi động, AkzoNobel đã quyết định tung dòng sản phẩm Dulux Ambiance™, bao gồm sơn nội thất Dulux Ambiance™ 5 IN 1 và sơn hiệu ứng đặc biệt Dulux Ambiance Special Effects.

Anh Thanh – một nhà thầu nhỏ cho biết: “Khi 2 dòng sản phẩm này được giới thiệu ra thị trường, tôi đã dùng thử cho biệt thự cao cấp của khách hàng và họ rất hài lòng. Nếu tính về giá thành trên mỗi thùng sơn thì dòng sản phẩm này có giá khá cao, khoảng 1 triệu đồng/thùng 5 lít (các cửa hàng đang khuyến mãi chỉ còn 700.000 đồng/thùng). Nếu so với các dòng sơn khác ở mức 480.000 – 520.000 đồng/thùng, thì dùng sơn Dulux lợi hơn nhiều, bởi sơn các dòng giá vừa mất khoảng 2 thùng, trong khi sơn Dulux mới chỉ hơn 1 thùng”.

Trao đổi về kế hoach đầu tư của AkzoNobel tại Việt Nam, ông Conrad Keijzer, phụ trách Bộ phận sơn công nghiệp cho biết, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành khu vực sản xuất mạnh mẽ tại châu Á và tiếp tục là một thị trường tăng trưởng hấp dẫn. Việc đầu tư mở rộng sản xuất sẽ đảm bảo được vị trí của Công ty, cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao trong tương lai.

Là một công ty hàng đầu trên thế giới về sản xuất sơn và chất phủ, có mặt trên 80 quốc gia với 46.000 nhân viên, AkzoNobel cũng là sản xuất sơn và chất phủ lớn nhất Việt Nam. Việc gia tăng sản xuất tại Việt Nam ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, hãng này cũng hướng đến xuất khẩu sang các thị trường của các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Úc và NewZeland.

Trong khi các “ông lớn” ngoại tăng tốc đầu tư, mở rộng thị phần, thì các doanh nghiệp trong nước dù không mạnh về tài chính, cũng có cách riêng để giữ thị trường của mình.

Giám đốc Maketing một công ty sơn nội tiết lộ: “Khi biết Nippon thực hiện chương trình truyền thông để đưa sản phẩm đến khu vực mà chúng tôi đang chiếm lĩnh thị phần, chúng tôi lập tức lên kế hoạch đối phó bằng cách tăng chiết khấu cho nhà thầu, chủ đầu tư và thực hiện khuyến mãi đối với đại lý, cửa hàng… Dù kinh phí bỏ ra thấp hơn nhiều, nhưng chúng tôi không chỉ giữ vững được thị phần, mà còn chiếm luôn cả mảng bán lẻ của Nippon”.

Không chỉ công ty trên, đa phần các công ty sơn trong nước cũng chọn cách chiết khấu cao để kích thích bán hàng, bởi họ hiểu tâm lý người tiêu dùng trong nước hơn các công ty ngoại. Hiện nhiều người tiêu dùng cũng chưa phân biệt hết được tính năng của các sản phẩm sơn, thậm chí nhiều đại lý, cửa hàng nếu không kinh doanh lâu năm cũng khó nắm được tính năng của các sản phẩm cùng loại. Do đó, việc tăng chiết khấu cho đại lý, nhà thầu, chủ đầu tư để giữ thị phần dường như là bước đi khôn ngoan của các doanh nghiệp nội hiện nay.